Thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp như thế nào và doanh nghiệp cần chuẩn bị gì ?

1. Thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở Doanh nghiệp

Tổng cục Thuế đã ra Quyết định số 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 ban hành Quy trình kiểm tra thuế.
Do đó, trình tự kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế (trụ sở doanh nghiệp) được quy định như sau:

Thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải thực hiện đúng nội dung, không quá thời hạn ghi trong Quyết định kiểm tra thuế.

Đoàn kiểm tra được quyền yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế không có trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế.

Thực hiện công tác kiểm tra, đối chiếu các nội dung đã phân tích, đánh giá rủi ro và các nội dung thuộc phạm vi Quyết định kiểm tra với các hồ sơ tài liệu thu thập khi kiểm tra.

Thực hiện kiểm tra chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan trong phạm vi nội dung của Quyết định kiểm tra thuế

Nếu người nộp thuế cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thì đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính.

Trong quá trình kiểm tra nếu nội dung phát hiện các nội dung ban hành Quyết định xử lý hoặc Kết luận kiểm tra có thể dẫn đến khiếu nại của người nộp thuế về kết quả xử lý thì Trưởng đoàn kiểm tra phải tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vướng mắc để báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra.

Kết thúc kiểm tra , thành viên đoàn kiểm tra lập biên bản xác nhận số liệu với đại diện người nộp thuế.

Biên bản kiểm tra thuế được lập theo mẫu số 10/QTKT ban hành kèm theo quy trình này. Kết quả kiểm tra tại biên bản kiểm tra phải được thống nhất trong đoàn kiểm tra trước khi công bố công khai với người nộp thuế.

2. Doanh nghiệp cần chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì ?

  • Danh mục hồ sơ pháp lý :
    – Đăng ký kinh doanh tất cả các lần thay đổi.
    – Điều lệ công ty
    – Quy chế tiền lương
    – Quy chế tài chính
    – Đang ký tài khoản ngân hàng
    – Danh sách cổ đông hoặc thành viên (Công ty cổ phần hoặc Công ty TNHH 2 thành viên)
    – Đăng ký hình thức kế toán
    – Đăng ký phương pháp khấu hao với cơ quan thuế
  • Danh mục hồ sơ chi tiết và cách kiểm tra cụ thể:
     Hồ sơ khai thuế:
    – Tờ khai thuế GTGT theo tháng hoặc quý và Bảng kê đầu ra, đầu vào tương ứng
    (Bảng kê không cần nộp cho cơ quan thuế nhưng trong kỳ sau khi nộp tờ khai xong, các bạn nên in ra kẹp cùng tờ khai và sắp theo thứ tự)
    – Giấy nộp tiền ngân sách của các loại thuế: Thuế GTGT, thuế môn bài, thuế TNDN
    (sắp xếp vào từng quý theo tờ khai thuế luôn.)
    – Thông báo phát hành hóa đơn, Hợp đồng đặt in hóa đơn( Hóa đơn giấy, Hợp đồng mua hoá đơn, Quy định sử dụng hoá đơn điện tử đối với HĐ điện tử và Mẫu hoá đơn)
    – Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn;
    – Báo cáo tài chính, Quyết toán thuế TNDN các năm quyết toán;
    – Bảng tính giá thành và Bảng đăng ký định mức từng thời điểm của từng loại hàng sản xuất.
    Cách kiểm tra hồ sơ thuế:

Kiểm tra lại số trên bảng kê đã khớp với số trên tờ khai thuế GTGT theo tháng (Quý) chưa?

Kiểm tra doanh thu đã khớp với các chỉ tiêu bán ra chưa?
Hóa đơn đã sắp xếp theo bảng kê chưa?

Hóa đơn đã đầy đủ theo bảng kê chưa?
Kiểm tra Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn giữa các Quý xem đã khớp nhau chưa?

Các hóa đơn “Xóa bỏ” có đầy đủ các liên chưa?
Xem lại tờ khai Quyết toán thuế TNDN điều chỉnh tăng, giảm chi phí doanh thu gì không?

Kiểm tra số dư TK 133 trên CĐKT có khớp với số dư thuế GTGT được khấu trừ chuyển kỳ sau trên tờ khai thuế GTGT tháng hoặc quý cuối cùng của năm chưa?

  • Danh mục hồ sơ lương

– Tờ khai khấu trừ thuế tncn
– Tờ khai Quyết toán thuế TNCN các năm quyết toán
– Cam kết 08- uỷ quyền quyết toán ( nếu có)
– Hợp đồng lao động.
– Chứng từ khấu trừ thuế tncn cấp cho người lao động(nếu có)
– Bảng lương từng tháng, bảng chấm công
– Quyết định tăng lương, quyết định thưởng

  • Cách kiểm tra hồ sơ lương

– Kiểm tra xem các hợp đồng lao động đã đầy đủ hay chưa?
– Các khoản lương, thưởng, phụ cấp… đã thể hiện rõ trong Hợp đồng lao động và quy chế của công ty chưa?
– Những khoản chi trả lương bằng tiền mặt có đầy đủ chữ ký của người lao động hay chưa?
– Các Quyết định tăng lương, thưởng trong năm đã đầy đủ chưa?

  • Hồ sơ của khoản vay

Danh mục hồ sơ vay
– Hợp đồng vay
– Khế ước nhận nợ (kèm các hoá đơn photo của nhà cung cấp mà công ty vay để trả, hợp đồng mua bán hàng hoá.)

Cách kiểm tra hồ sơ khoản vay

– Kiểm tra các khoản vay phát sinh trong năm có đầy đủ hợp đồng và đủ khế ước nhận nợ không ?
– Chi phí lãi vay có phải vốn hóa hay tính được tính chi phí được trừ hết không?
– Các khoản lãi vay cho các hợp đồng trả lãi cuối kỳ có được trích trước chi phí lãi vay vào chi phí trong kỳ chưa?

  • Hồ sơ các khoản công nợ

Danh mục hồ sơ
– Hợp đồng kinh tế đầu vào, đầu ra
– Phụ lục hợp đồng kinh tế
– Biên bản đối chiếu công nợ.
Cách kiểm tra hồ sơ các khoản công nợ
– Kiểm tra xem đã có đủ hợp đồng kinh tế hay chưa? ( Không yêu cầu có hết nhưng phải có của những khách hàng, nhà cung cấp lớn hoặc số dư lớn)
– Những khách hàng ứng trước tiền hàng kiểm tra xem hợp đồng có điều khoản ứng trước hay không?
– Những khách hàng có biên bản đối chiếu công nợ đã khớp với số dư trên sổ kế toán hay chưa?

  • Sổ sách kế toán cần in và cách kiểm tra

– In đầy đủ sổ cái và sổ chi tiết các tài khoản: Trước khi in cần đối chiếu sổ cái, số chi tiết các tài khoản với BCTC đã nộp cho cơ quan thuế. Nếu có chênh lệch cần kiểm tra lại và sửa lại cho đúng rồi mới in;

  • Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng

– Hồ sơ gồm: Số quỹ; Sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng; Phiếu thu, chi, chứng từ ngân hàng;
– Kiểm tra xem sổ quỹ có bị âm thời điểm hay không?
– Sổ chi tiết tiền gửi ngân hàng đã khớp với sao kê ngân hàng chưa?
– Phiếu thu , chi tiền mặt đã hợp lý, hợp lệ chưa?

  • Hàng tồn kho

Danh mục hàng tồn kho
Hồ sơ gồm: Tổng hợp nhập xuất tồn; Phiếu nhập kho, xuất kho; Sổ chi tiết vật tư.
Cách kiểm tra
Số liệu trên bảng nhập xuất tồn có khớp với trên bảng Cân đối phát sinh hay không?
Kiểm tra toàn bộ phiếu nhập, xuất kho đã có đầy đủ chữ ký hay chưa?( Chứng từ kèm theo gồm : 1- Yêu cầu mua hàng, Phiếu nhập, hoá đơn, Phiếu xuất kho hoặc biên bản bàn giao của bên bán, biên nghiệm thu chất lượng vật tư, yêu cầu mua hàng, chứng từ thanh toán).

  • Tài sản cố định

Danh mục tài sản cố định

Hồ sơ gồm: Bảng tính khấu hao TSCĐ; Biên bản nghiệm thu, bàn giao TSCĐ; Biên bản thanh lý TSCĐ, biên bản nghiệm thu tài sản cố định, biên bản nghiệm thu đánh giá chất lượng ts. Hoá đơn.
Cách kiểm tra
Kiểm tra lại số phân bổ trong năm trên sổ kế toán (phát sinh Có TK 214) và trên bảng tính khấu hao đã khớp nhau hay chưa?
Các TSCĐ phát sinh tăng đã đầy đủ hồ sơ, hóa đơn chứng từ hợp lệ chưa?
TSCĐ giảm trong kỳ đã có biên bản thanh lý chưa?( hồ sơ thanh lý gồm. biên bản họp – quyết định- biên bản đánh giá lại tài sản, biên bản thanh lý tài sản)

  • Công cụ dụng cụ

Danh mục công cụ, dụng cụ

Hồ sơ gồm: Bảng tính phân bổ công cụ, dụng cụ, hoá đơn chứng từ.
Cách kiểm tra
Kiểm tra xem Phát sinh bên Nợ đã khớp với giá trị những tài sản tăng trong năm trên bảng tính phân bổ hay chưa?
Phát sinh Có TK 242 đã khớp với bảng tính phân bổ hay chưa?

  • Các khoản thanh toán trên 20tr

Danh mục
Hóa đơn và thanh toán: Hóa đơn có giá trị trên 20 triệu và thanh toán tiền mặt trên 20 triệu;
Cách kiểm tra
Photo các hóa đơn trên 20 triệu kẹp cùng UNC để giải trình với cơ quan thuế nếu được hỏi.
Kiểm tra xem TK 111 có những nghiệp vụ chi trả cho nhà cung cấp hoặc đối ứng với TK Chi phí, Hàng tồn kho có vượt quá 20 triệu không?