Đảo nợ là gì? Đảo nợ có bị vi phạm pháp luật không?

1. Đảo nợ là gì?

Đảo nợ ngân hàng là cách chuyển một khoản vay cũ tại ngân hàng đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền trả của một cá nhân hoặc doanh nghiệp thành một khoản vay mới.
Khoản vay mới này vay tại chính ngân hàng này hoặc từ ngân hàng khác.

Theo Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 94/2018/NĐ-CP quy định về nghiệp vụ quản lý nợ đã giải thích thuật ngữ “đảo nợ” như sau:

“Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ”.

Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản đảo nợ là thực hiện một hợp đồng vay vốn mới, dùng khoản tiền vay mới để trả cho hợp đồng vay cũ.

Những năm qua việc đảo nợ ngân hàng diễn ra khá phổ biến dù Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm việc này. Nhưng do chưa có quy định pháp lý rõ ràng nên việc này vẫn diễn ra. Nhưng từ 15/3/2017 khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực, việc đảo nợ chính thức bị cấm và chỉ có một số trường hợp ngoại lệ được thực hiện.

2. Quy định pháp lý về đảo nợ ngân hàng

Dựa theo Nghị định 94/2018/NĐ-CP giải thích “đảo nợ”,  có thể thấy Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có quy định về vấn đề này.

Tuy không trực tiếp sử dụng cụm từ “đảo nợ” nhưng về bản chất đó chính là hành vi đảo nợ. Tại Điều 8 đã có quy định cụ thể về trường hợp được đảo nợ và không được đảo nợ như sau:

Điều 8. Những nhu cầu vốn không cho vay

Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:

1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

4. Để mua vàng miếng.

5. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Theo đó, tại khoản 5, 6 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định chi tiết về một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thứ nhất, không được cho vay “Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, không được cho vay “Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

3. Đảo nợ ngân hàng có vi phạm pháp luật?

Cụ thể là quy định tại Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có thể thấy việc hoạt động cho vay đảo nợ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, đối với 2 trường hợp sau đây sẽ được phép đảo nợ:

Thứ nhất, được vay để trả khoản nợ tại chính tổ chức tín dụng đã cho vay nếu thuộc trường hợp: Khách hàng dùng tiền của khoản vay mới để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, được vay để trả khoản nợ tại tổ chức tín dụng khác hoặc nợ nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện đó là: Khách hàng chỉ được dùng tiền của khoản vay mới để trả nợ trước hạn cho khoản vay thuộc 3 trường hợp sau:

+ Vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

+ Thời hạn cho vay không vượt thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

4. Thủ tục đảo nợ ngân hàng

Do quy định tại ngân hàng nhà nước đảo nợ bị cấm nên thủ tục đảo nợ thực chất là hồ sơ đáo hạn khoản vay hiện tại ở ngân hàng để được ngân hàng cho vay khoản mới.

Mỗi tổ chức tài chính và tùy ngân hàng sẽ có quy định riêng về hồ sơ thủ tục đáo hạn, tuy nhiên sẽ có những giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, sẽ có một số giấy tờ cơ bản sau đây:

+ Giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân còn hiệu lực, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn;

+ Hồ sơ vay ngân hàng bản sao;

+ Giấy tờ photo công chứng về các tài sản thế chấp như Giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe ô tô,…;

+ Khách hàng là chủ doanh nghiệp thì cần có Giấy phép đăng ký kinh doanh, con dấu doanh nghiệp, giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân;

+ Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay;

+ Giấy ghi nợ.

5. Lãi suất cho vay là gì?

Lãi suất cho vay là lãi suất tính trên số vốn mà bên vay phải trả kèm theo gốc tiền vay.

Trong kinh doanh ngân hàng, lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng vay thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất cho vay tại thời điểm kí kết hợp đồng tín dụng.

Lãi suất cho vay là giá cả của tiền vay thể hiện dưới hình thức tỉ lệ phần trăm trên số tiền vay theo khoảng thời gian xác định (tháng, năm). Lãi suất cho vay là nội dung bắt buộc các bên phải thỏa thuận khi kí kết hợp đồng tín dụng.