THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

1. QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP LÀ GÌ ?

Là quyền của tổ chức hoặc cá nhân sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu, sáng chế, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp.

Để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời làm căn cứ chống lại các hành vi xâm phạm trái pháp luật thì cá nhân, tổ chức cần phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

2.1 Hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:

  • Đơn đăng ký theo mẫu quy định;
  • Thông tin, tài liệu, mẫu vật thể hiện đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Bản công chứng giấy tờ pháp lý cá nhân (CCCD/CMND) đối với chủ đơn là cá nhân hoặc bản công chứng giấy phép kinh doanh đối với chủ đơn là tổ chức;
  • Tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu/quyền ưu tiên/quyền được phép sử dụng (nếu có).

2.2  Quy trình đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ như Anpha hướng dẫn ở trên, chủ đơn thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo 2 bước sau:

  • Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu

Tra cứu nhãn hiệu là bước đầu tiên nhằm xác định nhãn hiệu về cơ bản có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ thể khác đã được bảo hộ hay không.

Thông qua việc tra cứu nhãn hiệu, người đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có thể tự đánh giá được nhãn hiệu của mình có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ hay không. Tuy nhiên, để thực hiện bước này thì chủ đơn đăng ký cần phải trả phí để được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định trước nhãn hiệu.

  • Bước 2: Nộp hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Chủ đơn có thể nộp hồ sơ đăng ký theo 2 phương thức sau đây:

>> Nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia

  • Chủ đơn đăng ký tài khoản dịch vụ công, chọn nộp hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp (theo đối quyền sở hữu công nghiệp cụ thể), kê khai thông tin hồ sơ đăng ký đồng thời tải bản đăng ký bằng file pdf lên hệ thống;
  • Sau khi đăng ký thành công, chủ đơn nộp bản gốc hồ sơ đăng ký kèm theo mã số hồ sơ đã nộp trực tuyến đến Cục Sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại các tỉnh thành trên cả nước.

>> Nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ

Hiện nay, cá nhân, tổ chức có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở chính của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại theo 1 trong 3 địa chỉ sau đây:

  • Trụ sở chính Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ tại 386 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội;
  • VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ Đà Nẵng, địa chỉ: 135 Minh Mạng, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng;
  • VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh: 17/19 đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP. HCM.

Lưu ý:

Hồ sơ thuộc 1 trong các trường hợp sau đây sẽ được tính là không hợp lệ và sẽ không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:

  • Hình thức đơn không đạt;
  • Đối tượng đăng ký không phải là đối tượng được quyền đăng ký;
  • Chủ đơn là chủ thể không có quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp;
  • Người nộp đơn không đúng trình tự, không nộp lệ phí theo đúng quy định.

 

  • Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ và đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của cá nhân, tổ chức, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hình thức đơn trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Sau khi hình thức đơn hợp lệ, sẽ chuyển sang giai đoạn thẩm định nội dung đơn, thời hạn thẩm định như sau:

  • Không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với sáng chế;
  • Không quá 9 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với nhãn hiệu;
  • Không quá 7 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với kiểu dáng công nghiệp;
  • Không quá 6 tháng kể từ ngày công bố đơn đối với chỉ dẫn địa lý.

3. CĂN CỨ XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp được thể hiện ở các căn cứ như sau:

  • Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: Cơ sở để xác lập quyền sở hữu công nghiệp không phụ thuộc vào đơn đăng ký, xác lập ở việc sử dụng.
  • Đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch bán dẫn: Cơ sở xác lập quyền là văn bằng bảo hộ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Đối với chỉ dẫn địa lý: Cơ sở xác lập quyền là văn bằng bảo hộ được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Đối với bí mật kinh doanh: Quyền được xác lập trên cơ sở sử dụng bí mật kinh doanh một cách bảo mật, hợp pháp.
  • Đối với tên thương mại: Cơ sở xác lập quyền sở hữu công nghiệp là tên thương mại được sử dụng hợp pháp.