Góp vốn bằng tài sản có phải xuất hóa đơn?
Khi góp vốn bằng tài sản sẽ không cần phải xuất hóa đơn.
Cụ thể, Theo điểm a khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC, cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong trường hợp góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để thấy rõ khi góp vốn bằng tài sản không phải xuất hóa đơn thì cần tìm hiểu hồ sơ góp vốn bằng tài sản vào doanh nghiệp gồm những giấy tờ gì.
Khoản 13 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
[…] 13. Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản. Trường hợp tài sản góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT; Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn. […]
Điểm e khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
[…] e) Trường hợp góp vốn bằng tài sản của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp thì không phải lập hóa đơn mà sử dụng các chứng từ biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản, biên bản định giá tài sản kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản. […]
Theo đó, có thể thấy rằng hồ sơ góp vốn bằng tài sản được quy định như sau:
- Trường hợp 1: Bên góp vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh
Khi góp vốn vào doanh nghiệp cần phải có giấy tờ sau:
– Biên bản chứng nhận góp vốn.
– Biên bản giao nhận tài sản.
– Văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật (Trong trường hợp không xác định được giá trị của tài sản góp vốn).
- Trường hợp 2: Bên góp vốn là cá nhân, tổ chức kinh doanh
Khi góp vốn tài sản vào doanh nghiệp cần phải có các chứng từ sau:
– Biên bản chứng nhận góp vốn.
-Biên bản giao nhận tài sản.
– Biên bản định giá tài sản.
– Bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
Như vậy, có thể khẳng định khi góp vốn bằng tài sản sẽ không phải xuất hoá đơn.
Tài sản góp vốn nào phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản?
Việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn được thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó, tài sản có đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng đất thì phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó/quyền sử dụng đất cho công ty.
Trường hợp 1: Tài sản có đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng đất
=> Người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản/quyền sử dụng đất đó cho công ty tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn sẽ không phải chịu lệ phí trước bạ.
Trường hợp 2: Tài sản không có đăng ký quyền sở hữu
=> Phải lập Biên bản giao nhận tài sản.
Trong đó, biên bản xác nhận phải gồm các thông tin chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;
- Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;
- Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.
Lưu ý, riêng tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.