Cách tính tiền lương theo số ngày công làm việc một tháng và Những khoản tiền lương dự kiến sẽ tăng từ 1.7

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 105 và Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ/tuần. Trường hợp thời giờ làm việc theo tuần thì thời gian làm việc không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Về ngày nghỉ hằng tuần, người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

Mặc dù không có quy định cụ thể số ngày công làm việc trong tháng, nhưng với quy định ngày làm việc 8 giờ, trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn một tuần làm việc 40 giờ sẽ tương ứng với số ngày công tiêu chuẩn một tháng không quá 24 ngày. Nếu doanh nghiệp lựa chọn 1 tuần làm việc không quá 48 giờ sẽ tương ứng với số ngày công tiêu chuẩn một tháng không quá 26 ngày.

Để làm căn cứ cho việc tính trả lương hằng tháng cho người lao động, việc lựa chọn, áp dụng ngày công tiêu chuẩn một tháng cần được thể hiện trong Quy chế tiền lương, tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương một tháng, số ngày công tiêu chuẩn một tháng phải được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nếu doanh nghiệp áp dụng ngày công tiêu chuẩn một tháng là 26 ngày công, thì tiền lương tháng trả theo số ngày công làm việc thực tế được tính như sau:

Tiền lương theo tháng = Tiền lương tháng thỏa thuận trong hợp đồng lao động: 26 x số ngày công đi làm thực tế

Theo đó, người lao động làm việc đủ số ngày công ở tháng có tổng số ngày làm việc cộng với ngày nghỉ lễ, tết có hưởng lương (nếu có) bằng 26 ngày, thì tiền lương thực tế được trả bằng mức tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.

Nếu người lao động làm việc đủ số ngày công ở tháng có tổng số ngày làm việc cộng với ngày nghỉ lễ, tết có hưởng lương (nếu có) cao hơn 26 ngày, tiền lương thực tế được trả sẽ cao hơn mức tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.

Ngược lại, người lao động làm việc đủ số ngày công ở tháng có tổng số ngày làm việc cộng với ngày nghỉ lễ, tết có hưởng lương (nếu có) thấp hơn 26 ngày, tiền lương thực tế sẽ được trả thấp hơn mức tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động.

Cách tính khác: Do quy định tại Điểm a3 Khoản 1 Điều 54 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có nội dung doanh nghiệp tùy nghi lựa chọn số ngày làm việc bình thường trong tháng để tính lương, nên doanh nghiệp có thể áp dụng cách tính trả lương theo tháng như sau:

Tiền lương theo tháng = Tiền lương tháng thỏa thuận trong hợp đồng lao động: (số ngày trong tháng – số ngày nghỉ hằng tuần) x số ngày công đi làm thực tế.

Ở cách tính này, mức lương người lao động được nhận thường cố định cho tất cả các tháng trong năm. Dù các tháng có ngày làm việc bình thường khác nhau, lương của tháng có số ngày công tối đa sẽ là 24 cùng bằng lương của tháng có số ngày công tối đa là 27. Mức tiền lương theo tháng đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động chỉ bị giảm đi khi mà người lao động nghỉ việc không hưởng lương vào ngày làm việc bình thường, hoặc nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Tiền lương, lương hưu, lương tối thiểu vùng là những khoản tiền dự kiến sẽ tăng đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động từ 1.7.2024.

Tăng lương khi cải cách tiền lương

Từ 1.7.2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương và sẽ có 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018.

Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Khi thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2025 trở đi thì sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Tăng lương hưu cho cán bộ, công chức, viên chức

Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi thực hiện chính cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 thì tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng. Điều này giúp mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của nhóm này cũng tăng theo.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng lương hưu 15% từ ngày 1.7.2024 trong khi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tăng từ 8%.

Hiện nay, lương hưu được tính dựa trên số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội . Do đó, nếu tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thì cũng sẽ tăng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện được tăng tiền lương.

Tuy nhiên, sẽ không tăng lương hưu cho 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương.

Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, những cơ quan có bảng lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm), để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức thuộc 36 đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù không được tăng lương khi cải cách tiền lương dẫn đến việc tăng lương hưu của những đối tượng này cũng có thể sẽ không được tăng.

Những cơ quan có bảng lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm), để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương.

Tăng lương tối thiểu vùng

Phát biểu kết luận phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia phiên thứ hai năm 2023, sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ 1.7.2024 để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.

Như vậy, nếu tăng mức lương tối thiểu vùng 6% thì mức lương tối thiểu 4 vùng dự kiến như sau:

Vùng 1, mức lương tối thiểu tháng là 4.960.000 đồng; Vùng 2: 4.410.000 đồng; Vùng 3: 3.860.000 đồng; Vùng 4: 3.450.000 đồng.