Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

1. Hộ kinh doanh có tư cách pháp nhân không?

Được quy định tại Điều 74, Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức, nhóm người được công nhận là có tư cách khi thỏa mãn được 04 điều kiện được nêu sau đây:

  • Được công nhận thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức có cơ cấu hoạt động chặt chẽ.
  • Có tài sản riêng, độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình.
  • Nhân danh bản thân tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, có quy định về hộ kinh doanh như sau:

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.

Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh

Dựa vào những quy định trên của pháp luật có thể nhận thấy rằng hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình không có đủ điều kiện để có tư cách pháp nhân.

Như vậy, có thể kết luận là hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Do không có tư cách pháp nhân nên hộ kinh doanh không có con dấu riêng, không có văn phòng đại diện, không có chi nhánh khác và không thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khác.

2. Những câu hỏi liên quan về tư cách pháp nhân của hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh có được chuyển đổi qua doanh nghiệp hay không?

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, hộ kinh doanh cá thể được phép chuyển đổi thành doanh nghiệp khi muốn tăng quy mô hoạt động của hộ kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trên 10 nhân sự thì có thể chuyển đổi sang doanh nghiệp tư nhân.

Muốn thay đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang hình thức doanh nghiệp thì cần những loại thủ tục gì?

Được quy định tại Điều 21 và Điều 27 tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP hồ sơ cần để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ bao gồm:

  • Bản chính giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
  • Bản sao hợp lệ với quy định giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ doanh nghiệp;
  • Những điều lệ quy định tại công ty.
  • Giấy đề nghị đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp.
  • Danh sách các thành viên đối với công ty hợp danh hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc danh sách cổ đông đồng sáng lập đối với công ty cổ phần (CP).
  • Trong trường hợp thành viên góp vốn tăng vốn điều lệ lên thì cần bổ sung: Bản sao hợp lệ theo quy định về quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hợp pháp, tài liệu liên quan tới tổ chức;
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu/giấy tờ chứng minh hợp lệ khác của người đại diện theo pháp luật, của những thành viên hoặc cổ đông.
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp.
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu/giấy tờ chứng minh hợp lệ khác của người được ủy quyền.

Nộp hồ sơ chuyển đổi hình thức kinh doanh từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp ở đâu?

Để có thể nộp hồ sơ chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh cá thể có thể thực hiện theo 1 trong 2 cách dưới đây:

  • Cách 1: Chủ hộ kinh doanh cá thể nộp hồ sơ trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Cách 2: Chủ hộ kinh doanh đăng ký thông tin tại Cổng thông tin Quốc gia về mục đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (thực hiện đối với 2 khu vực là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Hậu quả pháp lý khi hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

  • Tham gia quan hệ giao dịch: các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng văn bản trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Tài sản chung của hộ gia đình gồm những tài sẩn do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Việc xác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung được thực hiện theo phương thức thỏa thuận;
  • Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình được đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Nếu các bên không thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật không có quy định khác thì các thành viên chịu trách nhiệm dân sự theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.
  • Trường hợp thành viên không có quyền đại diện mà xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhân danh các thành viên khác của hộ gia đình xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì giao dịch dân sự vô hiệu từng phần tương ứng với phần vượt quá phạm vi đại diện nếu không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch; giao dịch vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với các thành viên còn lại khi đã được các thành viên còn lại công nhận hoặc đã biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý hoặc có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.