THUẾ TNCN

Theo quy định tại điều 2 và 26 Thông tư số 111/2013/TT- TC và Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, Cơ quan chi trả thu nhập cho cá nhân thực hiện việc giữ lại tiền thuế, trừ vào thu nhập trả cho cá nhân (khấu trừ thuế) theo tháng hoặc theo quý. Do đó tại thời điểm cuối năm cần thực hiện quyết toán thuế TNCN để tổng hợp lại tổng thu nhập người nộp thuế nhận được trong năm dương lịch và tính lại chính xác số thuế TNCN mà cá nhân đó phải nộp. Trong 10 loại thu nhập tính thuế TNCN thì chỉ có thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là phải thực hiện quyết toán thuế.

Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế Cá nhân có số thuế phải nộp thêm (trừ trường hợp số thuế nộp thêm từ 50.000 đồng trở xuống). Cá nhân có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế. Cá nhân là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải kê khai quyết toán thuế với Cơ quan Thuế trước khi xuất cảnh. Trường hợp đủ điều kiện được ủy quyền thì cá nhân có thể ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán theo quy định

Hiện nay theo quy định của thuế TNCN (Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC) đối với thuế TNCN thì có 10 khoản thu nhập chịu thuế. Hiện tại việc quyết toán thuế TNCN chỉ áp dụng đối với loại thu nhập từ tiền lương, tiền công.

1. Tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu số 02/QTT-TNCN.

2. Phụ lục Bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc).

3. Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm; số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).

4. Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).

5. Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc (nếu tính giảm trừ cho người phụ thuộc tại thời điểm quyết toán thuế đối với người phụ thuộc chưa thực hiện đăng ký)

6. Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài Chính thì khi thay đổi thông tin đăng ký thuế, cá nhân cần ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập cập nhật thông tin theo quy định. Đối với cá nhân tự đăng ký (nếu đang không làm việc cho tổ chức nào) thì cá nhân liên hệ Cơ quan Thuế quản lý để nộp mẫu 08-MST để được cập nhật thông tin.

Lưu ý: Đối với người nộp thuế được quản lý bởi các Cơ quan Thuế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể nộp trực tuyến mẫu 08-MST thông qua ứng dụng HCMTax mà không cần liên hệ trực tiếp Cơ quan Thuế.

Bạn cần liên hệ Cơ quan Thuế quản lý và nộp mẫu 08-MST để được cập nhật lại thông tin.

Lưu ý: Đối với người nộp thuế được quản lý bởi các Cơ quan Thuế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể nộp trực tuyến mẫu 08-MST thông qua ứng dụng HCMTax mà không cần liên hệ trực tiếp Cơ quan Thuế.

Trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế hoặc các Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có thể theo dõi tiến độ Cơ quan thuế xử lý hồ sơ trên ứng dụng HCMTax hoặc website https://hcmtax.gov.vn

Trường hợp người nộp thuế nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN lần đầu bị sai Cơ quan Thuế quyết toán, người nộp thuế nộp công văn đề nghị hủy tờ khai tại Cơ quan Thuế đã nộp sai. Sau khi Cơ quan Thuế hủy tờ khai quyết toán thuế TNCN, người nộp thuế nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN chính thức về Cơ quan Thuế đúng.

Nếu thông tin trên thư xác nhận thu nhập và chứng từ khấu trừ thuế không giống nhau thì người nộp thuế phải liên hệ lại cơ quan chi trả thu nhập, yêu cầu cơ quan chi trả thu nhập cấp xác nhận và cấp lại thư xác nhận thu nhập/chứng từ khấu trừ thuế đúng và khớp với thu nhập mình thực nhận trong năm.

Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động, cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc có chứng từ khấu trừ thuế.

Theo công văn hướng dẫn quyết toán thuế của Tổng Cục thuế số 636/TCT-DNNCN ngày 12/03/2021. Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế”.

Người nộp thuế cần lưu ý trường hợp chưa có tài khoản giao dịch điện tử, khi người nộp thuế hoàn thành nộp tờ khai, tờ khai sẽ ở trạng thái “iCanhan-Chờ phê duyệt”. Hoặc đã gửi tờ khai trước thời điểm đăng ký tài khoản giao dịch điện tử nhưng tra cứu lại tờ khai và đính kèm chứng từ thì hồ sơ vẫn ở trạng thái “iCanhan-Chờ phê duyệt”. Nếu chưa có tài khoản giao dịch, người nộp thuế cần đăng ký và nộp lại tờ khai quyết toán có đính kèm phụ lục để hệ thống tự nhận vào ứng dụng Quản lý Thuế.

Cá nhân thực hiện quyết toán thuế TNCN theo từng năm chứ không cộng dồn các năm lại. Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 111/2013/TT-BTC Kỳ tính thuế theo năm: áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công:

   +   Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế được tính theo năm dương lịch.

   +   Trường hợp trong năm dương lịch, cá nhân có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên thì kỳ tính thuế đầu tiên được xác định là 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Từ năm thứ hai, kỳ tính thuế căn cứ theo năm dương lịch.

HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ

Theo nội dung của Mẫu đăng ký Hóa đơn điện tử 01 ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì khi đăng ký sử dụng hóa đơn, DN lựa chọn chỉ sử dụng 1 trong 2 loại: Hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn điện tử không có mã của Cơ quan Thuế. Không đăng ký sử dụng đồng thời cả 2 loại.

HĐĐT cần có 09 nội dung cơ bản như sau:

1. Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn;

2. Số hóa đơn;

3. Tên, địa chỉ, MST của người bán;

4. Tên, địa chỉ, MST của người mua (nếu có); 

5. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ, thành tiền chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tổng số tiền thuế GTGT theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán;

6. Chữ ký của người mua (nếu có), chữ ký của người bán;

7. Thời điểm lập hóa đơn; 

8. Thời điểm ký số trên HĐĐT;

9. Mã của Cơ quan Thuế đối với HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế.

Ký hiệu mẫu số HĐĐT là một chữ số tự nhiên từ 1 đến 6 để phản ánh loại HĐĐT như sau: 

Số 1: HĐĐT giá trị gia tăng; 

Số 2: HĐĐT bán hàng; 

Số 3: HĐĐT bán tài sản công;

Số 4: HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia;

Số 5: HĐĐT khác là tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;

Số 6: Các chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.

Ký hiệu HĐĐT là nhóm 6 ký tự gồm cả chữ viết và chữ số được quy định như sau:

–  Ký tự đầu tiên: C thể hiện HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế, K thể hiện HĐĐT không có mã;

– Hai ký tự tiếp theo là hai (02) chữ số cuối của năm dương lịch;

– Một ký tự tiếp theo là một (01) chữ cái được quy định là T, D, L, M, N, B, G, H thể hiện loại HĐĐT được sử dụng, cụ thể:

+ Chữ T: HĐĐT do tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng với CQT; 

Chữ D: Hóa đơn bán tài sản công và hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia hoặc HĐĐT đặc thù không nhất thiết phải có một số tiêu thức do các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng;

Chữ L: HĐĐT của Cơ quan Thuế cấp theo từng lần phát sinh;

Chữ M: HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền;

Chữ N: phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử;

Chữ B: phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử;

Chữ G: tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn GTGT;

Chữ H: tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn bán hàng.

– Hai ký tự cuối là chữ viết do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý.

Kể từ thời điểm Cơ quan Thuế chấp nhận đăng ký.

Theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 123 thì doanh nghiệp, tổ chức phải: 

 

1. Thành lập Hội đồng tiêu hủy hóa đơn có đại diện lãnh đạo, bộ phận kế toán;

2. Lập Bảng kiểm kê hóa đơn cần tiêu hủy;

3. Lập Biên bản tiêu hủy hóa đơn có đủ chữ ký các thành viên;

4. Lập Thông báo kết quả hủy hóa đơn.

 

Hồ sơ tiêu hủy hóa đơn được lưu tại doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và gửi 1 bản thông báo kết quả hủy hóa đơn đến Cơ quan Thuế theo Mẫu số 02/HUY-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định 123 trong thời gian chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày thực hiện tiêu hủy hóa đơn.

Tổ chức áp dụng HĐĐT không mã và đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật được đăng ký chuyển dữ liệu trực tiếp tới Cơ quan Thuế. Tổ chức đăng ký truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và chọn hình thức “Chuyển dữ liệu HĐĐT trực tiếp đến Cơ quan Thuế” trên Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Trước khi sử dụng HĐĐT thì tổ chức, cá nhân phải ngừng sử dụng HĐĐT đã thông báo phát hành, tiêu hủy hóa đơn giấy còn tồn. Trình tự thủ tục tiêu hủy theo quy định tại Điều 27, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày Tổng cục Thuế nhận được đề nghị của doanh nghiệp, tổ chức, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp kiểm thử kết nối, truyền nhận dữ liệu. Trường hợp kết quả kiểm thử kết nối, truyền nhận dữ liệu thành công thì doanh nghiệp, tổ chức thực hiện gửi dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến Cơ quan Thuế theo quy định.

Tổ chức, cá nhân thay đổi đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và nhập đầy đủ thông tin thay đổi vào Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ trong thời gian 12 tháng kể từ khi bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu có.

b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và nhập đầy đủ thông tin vào Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Cơ quan Thuế gửi thông báo qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký trên tờ khai.

Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng HĐĐT, Cơ quan Thuế sẽ có thông báo chấp nhận/không chấp nhận cho người gửi đăng ký.

HĐĐT sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021 của Tổng cục Thuế.

Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng về CNTT thì được áp dụng HĐĐT không có mã của Cơ quan Thuế.

Có 2 trường hợp được sử dụng HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế không thu tiền gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định đều được đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế.

Doanh nghiệp phải có cơ sở hạ tầng về CNTT để thực hiện giao dịch với Cơ quan Thuế bằng phương tiện điện tử; có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập HĐĐT đáp ứng lập, tra cứu HĐĐT, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến Cơ quan Thuế.

Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế hoặc HĐĐT có mã, HĐĐT không có mã.

Hóa đơn điện tử (HĐĐT) là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế.

Có 3 hình thức HĐĐT gồm:

  1. HĐĐT có mã của cơ quan thuế
  2. HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; và 

3. Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với Cơ quan Thuế

HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế là HĐĐT được Cơ quan Thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.

Mã của cơ quan thuế trên HĐĐT bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của Cơ quan Thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được Cơ quan Thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn

HĐĐT không có mã của Cơ quan Thuế là HĐĐT do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của Cơ quan Thuế.

Là HĐĐT có mã của Cơ quan Thuế được in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với Cơ quan Thuế.

Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế và đảm bảo nguyên tắc sau:

1. Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế;

2. Không bắt buộc có chữ ký số;

3. Tra cứu được thông tin hóa đơn từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn.

ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Điều 197, 198 và 199 Luật Doanh nghiệp quy định công ty trách nhiệm hữu hạn có thể được chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc ngược lại.Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo phương thức sau đây:

  1. a) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
  2. b) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
  3. c) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần của toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
  4. d) Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn kết hợp các phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo cho các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này; đồng thời cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

  1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
  3. b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
  4. c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
  5. d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Lệ phí đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC.

Điều 78 Luật Doanh nghiệp quy định cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH một thành viên là tổ chức. Theo đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:

  1. a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
  2. b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên thực hiện theo quy định của Luật này.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 21 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Theo đó thành phần hồ sơ bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Quy định cụ thể về lệ phí đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC. Theo đó, lệ phí trong trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng/lần.

Các hình thức đầu tư tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư năm 2014. Theo đó, có 4 hình thức đầu tư như sau:

  1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
  2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
  3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP;

d. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:

  1. a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được thực hiện theo các bước như sau:

  1. a) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định nêu trên cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;
  2. b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điểm a Khoản này, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

c) Sau khi nhận được thông báo theo quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là hai khái niệm khác nhau. Theo đó, theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư. Còn theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Công ty cổ phần là một loại hình công ty đối vốn rất điển hình, chiếm số lượng khá lớn trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn chung, công ty cổ phần thường có quy mô tương đối lớn và có cơ cấu tổ chức quản lý phức tạp. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó:

  1. a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  2. b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  3. c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp.

Khái niệm người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, về số lượng người đại diện theo pháp luật, khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp cũng quy định công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Khi thành lập công ty cổ phần thì một số vấn đề sau đây về người đại diện theo pháp luật cũng nên cần được lưu ý:

– Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT hoặc GĐ hoặc TGĐ là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch HĐQT và GĐ hoặc TGĐ đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

– Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, để tăng vốn điều lệ, công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động.Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:

  1. a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
  2. b) Chào bán cổ phần riêng lẻ.
  3. c) Chào bán ra công chúng;

Việc chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp thì Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:

  1. a) Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
  2. b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
  3. c) Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
  4. d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này;
  5. e) Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
  6. g) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

h) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

  1. a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;
  2. b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;
  3. c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
  4. d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

e) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Khái niệm người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 thì người đại diện theo pháp luật có những trách nhiệm sau đây:

  1. a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  2. b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  3. c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nêu trên.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Nếu hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác, người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc, hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đây là điểm mới, tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2014 khi đưa ra cơ chế giải quyết trong trường hợp người đại diện theo pháp luật thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp thì thời hạn để thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên thực hiện góp vốn thành lập công ty là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp, với tư cách là thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên sẽ có các nghĩa vụ sau đây:

  1. Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 48 của Luật Doanh nghiệp.
  2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54 và 68 của Luật Doanh nghiệp.
  3. Tuân thủ Điều lệ công ty.
  4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
  5. Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây:
  6. a) Vi phạm pháp luật;
  7. b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác;
  8. c) Thanh toán khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.

6. Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Điều 2 Luật viên chức năm 2010 quy định: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.